Vài nét lịch sử
Trung Tâm Hành Hương Thánh Anrê Dũng Lạc
và Các Bạn Tử Đạo Việt Nam

Năm 1986, Cha Micae Việt Anh, Bề Trên Tu Hội NhậpThể Tận Hiến Truyền Giáo,  được Cộng Đồng Giáo sĩ & Tu sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ bầu làm Chủ tịch Ủy Ban Chuẩn bị Phong Thánh Tại Hoa Kỳ. Chung quanh biến cố phong thánh (1988), có nhiều sự việc xảy ra mang màu sắc chính trị, khiến cho những người có trách nhiệm lo âu. Cha Việt Anh đã khấn xin các Thánh tử Đạo: nếu biến cố phong thánh tại Roma được diễn tiến tốt đẹp, thì Ngài sẽ vận động xây dựng một Trung Tâm Hành Hương dâng kính các Ngài tại Hoa Kỳ. Sau đó, Ngài đã bắt đầu thực hiện lời khấn hứa. Nhưng sự việc xảy ra ngoài ý muốn, dự án bị ngưng vô thời hạn. 

 Sáu năm sau khi Cha Việt Anh qua đời (1999), Tu Hội Nhập Thể Tận Hiến muốn tiếp nối dự án xây dựng Trung Tâm Hành Hương, mang tên là Trung Tâm Hành Hương Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn Tử Đạo, nằm  trên một khu đất rộng 42 mẫu, có nhiều cây xanh và hồ nước, có vườn cầu nguyện dâng kính Chân Phước Anrê Phú Yên và Đàng Thánh Gía theo nghệ thuật Việt Nam. Trung Tâm cách downtown Houston 30 dặm về phía tây bắc, cách xa lộ 290 hai dặm. Giai đoạn một của dự án là xây Nhà Tĩnh Tâm Thánh Lê thị Thành. Dự án khởi công tháng 6/ 2006, nhưng tiếc là việc thi công phải tạm ngưng vì thiếu tài chánh.  

Năm 2009, dự án thứ hai - dự án phụ - được khởi sự khi một ân nhân tặng cho Trung Tâm 11 mobile homes, với tổng diện tích 10,000 SF. Sau hai năm tân trang, với sự đóng góp của rất nhiều mạnh thường quân, về công sức, thì giờ, khả năng và tài chánh, dự án hoàn thành vào tháng 12/2011. Nhà Tĩnh Tâm gồm hai building - St. Mary Building gồm 28 phòng, và St. Joseph Building, 10 phòng - đã được làm phép và khánh thành vào Mùa Chay năm nay, và chính thức mở cửa đón nhận những đoàn thể và cá nhân đến tĩnh tâm cầu nguyện.  Ngoài chương trình tĩnh tâm và cầu nguyện, Nhà Tĩnh Tâm cũng sẽ tổ chức những buổi học hỏi về Thánh Kinh, cầu nguyện, những buổi hội thảo về những vấn đề tôn giáo, văn hóa, bác ái, và xã hội dành cho mọi thành phần tham dự, không phân biệt tôn giáo. Ngoài ra, Nhà Tĩnh Tâm, vì nằm trên một khu đất rộng 42 mẫu, là nơi rất lý tưởng cho các đoàn thể như Hướng Đạo, Thiếu Nhi Thánh Thể, các Nhóm Giáo lý viên, Hôn Nhân Gia Đình, Phong trao Cursillo, Ca đoàn,...  tổ chức các trại huấn luyện và cắm trai.


Tiểu sử Thánh Annê Lê Thị Thành
(1781-1841)

  

Thánh Annê Lê Thị Thành (còn gọi là Bà Đê) một giáo dân Công Giáo (1781-1841), Tử đạo ngày 12 tháng 7 năm 1841, bà nói với con gái mình khi vào thăm mẹ trong nhà tù rằng “Con gái yêu à, đừng khóc. Vết máu trên áo mẹ như những đóa hồng. Mẹ vui vì được chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu. Tại sao con lại khóc?”

Thánh Annê Lê Thị Thanh sinh năm 1781 trong một gia đình Công giáo giàu có tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cha cô đã cưới người vợ thứ hai vì mẹ ruột của cô không thể sinh cho ông một con trai để làm người thừa kế. Vì thế, mẹ cùng cô (lúc 12 tuổi) và em gái Thuộc (10 tuổi) phải rời cha đến định cư ở làng Đông, thị trấn Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi, cô kết hôn với một người đàn ông Công giáo tên là Nguyễn Văn Nhất. Hai vợ chồng có hai con trai và bốn con gái. Bà còn được gọi là bà Đê, lấy tên con trai đầu lòng của bà theo phong tục địa phương. Hai vợ chồng rất coi trọng việc nuôi dạy con cái theo đức tin Công giáo. Thánh Annê Đê đặc biệt rất yêu mến và kính trọng các tu sĩ, các nhà truyền giáo và các linh mục bản địa nói riêng. Gia đình bà luôn sẵn sàng cung cấp nơi trú ẩn cho các giáo sĩ trong cuộc đàn áp Kitô Giáo.

Sáng Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 14 tháng 4 năm 1841, một người tên Đễ vốn là phụ tá của cha Thành, đã phản bội cha Thành bằng cách lén báo tung tích các linh mục cho quan Trịnh Quang Khanh để nhận thưởng. Để thoát khỏi sự truy quét của Quan tòa, ông Cơ, người đứng đầu Hội Đồng Mục Vụ, đã nhờ Thánh Annê Đê giấu Cha Jean Paul Galy Carles, một linh mục truyền giáo, trong một ngọn đồi khô ẩn sau bụi tre trong vườn nhà bà. Tuy nhiên, lính của quan đã phát hiện và bắt giữ Cha Jean cũng như Thánh Annê Đê vì tội giấu ngài. Ông Cơ, Thánh Annê Đê và 8 người khác bị xiềng xích đi bộ đến Nhà tù Nam Định. Thánh Annê Đê đã nhiều lần ngã trên đường vào tù vì chiếc cùm nặng nề trên cổ. Dù bị dụ dỗ, tra tấn dã man, thậm chí bị đánh đập, suýt bị rắn độc cắn do lính thả vào quần, nhưng bà vẫn kiên định với đức tin của mình.

Khi đến thăm mẹ trong tù, Nu Nguyen, con gái út của Thánh Annê Đê đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy quần áo của mẹ lấm lem máu loang lổ từ những vết thương đang rỉ máu. Thánh Annê Đê an ủi con gái: “Hỡi con gái yêu, đừng khóc. Những vết máu trên quần áo của mẹ giống như những bông hồng. Mẹ vui mừng vì được chịu đau khổ cùng Chúa Giêsu Kitô. Tại sao con khóc?" Trong một lần thăm nhà tù khác của con gái, Thánh Annê Đê nói với con gái: “Hãy dặn các anh chị em của con hãy chăm sóc gia đình thật tốt, phải là người Công giáo sùng đạo, trung thành cầu nguyện và tham dự thánh lễ, và cầu nguyện cho mẹ vững lòng vác thập giá đến cùng. Chúng ta sẽ sớm được đoàn tụ trên thiên đường.”

Ngoài việc phải chịu cực hình và suy dinh dưỡng trầm trọng, Thánh Annê Đê còn bị tiêu chảy truyền nhiễm (kỵ lỵ). Sức khỏe của cô sa sút nhanh chóng mặc dù có sự chăm sóc của hai nữ tu trong cùng một nhà tù. Thánh Annê Đê cuối cùng đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 7 tháng 12 năm 1841 khi đang ở trong tù dưới thời vua Thiệu Trị. Theo luật lệ hiện hành, ngón chân của bà bị đốt cháy để chứng nhận cái chết của tù nhân. Thi thể của bà được chôn cất tại trường hành quyết được gọi là Năm Mẫu và sau đó được các Kitô hữu khác khai quật để chôn cất tại Nhà thờ Phúc Nhạc. Thánh Annê Đê được phong chân phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 và phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

(Trích sách “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”,
của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tháng 5 năm 2018.
Bản dịch của Nam-Phương Nguyễn, Houston TX)